Đã bao giờ bạn tự hỏi về mùi của những quyển sách cũ trên giá sách hay trong những thư viện cổ kính đến từ đâu? Đó là mùi ẩm mốc của những trang sách lâu ngày hay nó có mùi đặc trưng riêng? Chúng ta cùng tìm hiểu mùi hương đặc biệt đó từ đâu ra nhé!
Vào thế kỉ 19 và 20, các loại sách thường được sản xuất hàng loạt trên loại giấy có tính acid, đôi khi vẫn được dùng để in giấy báo ngày nay nên ta thấy các tờ báo, sách cũ ngả sang màu vàng nâu rất nhanh. Loại sách in trên giấy chứa nhiều acid cũng thường mau hỏng như thế. Bên cạnh đó, chúng còn có mùi hương không mấy dễ chịu.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng, một quyển sách bao gồm nhiều chất hữu cơ cấu thành các bộ phận như trang sách, bìa, hồ dán và mực in. Trải qua thời gian, các chất hữu cơ này chịu sự tác động của ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm, quyển sách đã sản sinh ra những chất hữu cơ mới dễ bay hơi, tạo nên mùi đặc trưng.
Một trong số những chất hữu cơ phổ biến được những cuốn sách cũ sinh ra là acid acetic (CH3COOH) - thành phần của dấm ăn; benzaldehyde (C6H5CHO) - một hợp chất chứa mạch vòng làm những cuốn sách cũ có mùi thơm dễ chịu của hạnh nhân. Ngoài ra, sách còn sản sinh ra các hợp chất butanol (C4H9OH), furfural (cũng có mùi hạnh nhân) hay octanal (C8H16O).
Cấu tạo của acid acetic - thành phần của dấm ăn.
Cấu tạo của benzaldehyde - một hợp chất chứa mạch vòng làm những cuốn sách cũ có mùi thơm dễ chịu của hạnh nhân.
Sự hòa trộn những hợp chất hữu cơ bay hơi với nồng độ nhiều, ít khác nhau đã tạo ra các mùi hương đặc trưng của cuốn sách cũ. Bên cạnh đó, mùi hương của quyển sách còn chịu tác động của môi trường xung quanh nó. Chẳng hạn, một số quyển sách có mùi thuốc lá hay cà phê do thói quen sinh hoạt của chủ nhân.
Tuy nhiên, không phải cuốn sách nào cũng có mùi dễ chịu do đó, cách bảo quản sách tốt nhất là đặt chúng tại nơi khô và thoáng mát. Độ ẩm cao có thể dẫn đến việc các cuốn sách bị ẩm và mốc. Bột soda và than củi là những chất thường dùng để xử lý tạm thời mùi của những cuốn sách cũ.
Trước đây, phương pháp phổ biến để nghiên cứu thành phần giấy làm sách là tách ra một mẩu giấy nhỏ rồi đốt cháy, từ đó phân tích các thành phần hóa học thu được. Còn hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phát minh ra một thiết bị cực nhạy, có thể “ngửi” được phần tử hóa học của cuốn sách. Nhờ đó, họ có thể biết chính xác chất liệu làm ra cuốn sách, độ tuổi và tình trạng hư hỏng của chúng.
Qua việc phân tích mùi sách, họ có thể giúp các bảo tàng, thư viện đánh giá được hiện trạng sách và tìm ra phương pháp phù hợp để bảo quản.
Là một người đam mê và yêu thích mùi của những trang sách, Karl Lagerfeld - nhà thiết kế thời trang nổi tiếng người Đức gần đây đã sáng tạo ra một loại nước hoa có mùi sách. Ông cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của sách điện tử sẽ làm con người quên mất cảm giác đặc biệt khi cầm trong tay những cuốn sách thơm mùi giấy, đặc biệt là mùi sách cũ.
Nguồn: Internet